Tìm hiểu kỹ thuật hoàn thiện mặt số của Seiko

Ngày 12 tháng 7 năm 2022
1034 lượt xem
Seiko không chỉ được biết đến với những bước tiến đột phá trong công nghệ, những cỗ máy thời gian bền bỉ cùng năm tháng. Seiko còn là một nhà sản xuất tiêu biểu trong việc giữ gìn những kỹ nghệ truyền thống Nhật Bản và điều đó được thể hiện rõ nhất trong cách họ hoàn thiện mặt số đồng hồ. 

Mục Lục

    Seiko không chỉ được biết đến với những bước tiến đột phá trong công nghệ, những cỗ máy thời gian bền bỉ cùng năm tháng. Seiko còn là một nhà sản xuất tiêu biểu trong việc giữ gìn những kỹ nghệ truyền thống Nhật Bản và điều đó được thể hiện rõ nhất trong cách họ hoàn thiện mặt số đồng hồ. 

    Hôm nay, Galle Watch sẽ cùng bạn đi tìm hiểu kỹ hơn về các kỹ thuật mà Seiko đã sử dụng trên sản phẩm của mình nhé! 


    Kỹ nghệ tráng men Enamel – thổi hồn cho Seiko Presage

    Enamel là một kỹ nghệ tráng men lên kim loại rất lâu đời, khó thực hiện và chỉ xuất hiện trên những cỗ máy đồng hồ cao cấp. Trong thực tế, Enamel có nhiều trường phái khác nhau, trong đó Seiko sử dụng kỹ thuật tráng men nung và men shippo cho bộ sưu tập Presage của mình. 

    Enamel là quá trình nung chảy thủy tinh cùng với bộ màu gốc oxit kim loại ở nhiệt độ lớn rồi lại làm nguội để lớp màu cố định trên mặt kim loại. Nghệ nhân đồng hồ sẽ phải lặp lại quá trình này từ 4 đến 10 lần đạt được kết quả như ý muốn. Mặc dù vậy, ở bất kỳ bước nào xảy ra sai sót, mặt đồng hồ đều có thể bị vỡ, nứt, chấm lỗ chỗ, phồng rộp hoặc màu sắc không như mong đợi. Cũng vì sự khó khăn trong khâu chế tác, tỷ lệ loại bỏ lớn, Enamel được xem là kỹ nghệ của các bậc thầy. Và có thể bạn chưa biết, trong mười mặt đồng hồ thành phẩm thì trung bình chỉ có thể chọn được một. 

    Men nung (Grand Feu Enamel) là kỹ thuật tráng men phức tạp nhất bởi có khả năng giữ được màu sắc theo thời gian. Đặc trưng của mặt số men nung là đơn sắc và hầu như không có họa tiết. Cũng nhờ sự đơn giản ấy và đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân đã thổi hồn cho những chiếc đồng hồ Seiko Presage, đem đến một vẻ đẹp tinh tế, đơn giản mà rất riêng.  

    Men Shippo là một biến thể khác của kỹ thuật tráng men thủ công. Kỹ thuật này tương tự như men Cloisonné của châu  u, được Nhật Bản phát triển từ thế kỷ 17. Mặt số men Shippo mà Seiko sử dụng được thực hiện bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Wataru Totani. Ban đầu, mặt số được chạm khắc họa tiết vân sóng, sau đó trang trí vẽ thủ công thêm một lớp men đặc biệt và đem đi nung ở nhiệt độ 800 độ C. Quá trình phủ men và nung được lặp lại nhiều lần để tạo độ đều màu cho lớp men. Cuối cùng,  mặt số được đánh bóng để tạo độ bóng cho thành phẩm cuối cùng. Có thể nói, mặt số do Wataru Totani tạo ra có độ sống động kỳ ảo như mặt biển gợn sóng, lấp lánh trong nắng chiều.

    Sơn mài Urushi - kỹ thuật làm nên bộ giáp Samurai

    Urushi là một loại sơn mài được chế biến từ nhựa của cây sơn mài Nhật Bản, thường được sử dụng làm trang trí và chống ăn mòn trên các vật dụng kim loại. Đặc biệt, Urushi chính là kỹ thuật để tạo nên những bộ giáp Samurai đen huyền bí, mạnh mẽ và chắc chắn. Hiện nay, các kỹ thuật sơn mài Urushi truyền thống vẫn được sử dụng trên khắp Nhật Bản và Seiko cũng là một trong số đó. 

    Để hoàn thiện lớp sơn mài Urushi cho mặt số, những người thợ đồng hồ của Seiko sẽ phải thực hiện nhiều lần thao tác đánh bóng và phủ sơn phức tạp. Các kỹ thuật này phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm và kỹ thuật tuyệt vời. Sau cùng, bạn sẽ nhận được một lớp sơn mài với màu đen sâu lắng và trong đến vô tận. Đó cũng là nét đặc trưng và làm nên sự thành công của bộ sưu tập Seiko Presage Urushi đến từ nghệ nhân Isshu Tamura.

    Maki-e – kỹ thuật điêu luyện với vảy vàng

    Maki-e là kỹ thuật phủ nhũ vàng được sử dụng cùng với kỹ thuật sơn mài Urushi. Ban đầu, mục đích của Maki-e là trang trí lên những vật dụng cao cấp của nhà vua và quan lại. Theo thời gian, kỹ thuật này dần mai một đi và chỉ còn xuất hiện trên một số dòng sản phẩm thủ công đắt tiền. 

    Với mong muốn hồi sinh Maki-e một lần nữa, Seiko đã sử dụng kỹ thuật này trên những sản phẩm độc đáo của mình và Seiko Presage Urushi Byakudan- Nuri chính là model thể hiện rõ nhất kỹ thuật đó. 

    Theo đó, mặt số sẽ được xử lý thủ công hoàn toàn thông qua 3 bước cực kỳ phức tạp, tất cả được thực hiện bởi đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Isshu Tamura. Sau khi được xử lý và phủ nhiều lớp sơn mài Urushi, những người thợ thủ công sẽ sử dụng kỹ thuật Byakudan - Nuri để tạo điểm nhấn cho hai mặt số phụ và cuối cùng sẽ là kỹ thuật Maki-e cho phần chỉ báo năng lượng. Tất cả đem đến vẻ đẹp huyền ảo và huyền bí cho chiếc đồng hồ của Seiko. 

    Arita– Gốm sứ danh tiếng từ Nhật Bản

    Arita là một nghề thủ công cổ xưa của Nhật Bản, cực kỳ nổi tiếng vào thế kỷ 17. Sau này, Arita đã được biết đến trên toàn thế giới. Các bước xử lý gốm sứ Arita rất phức tạp và gồm nhiều công đoạn được thực hiện thủ công, từ tạo hình, nung sứ, trang trí họa tiết, tráng men cho đến nung thành phẩm. 

    Seiko là một trong những nhà sản xuất khéo léo đưa công nghệ này vào trong sản phẩm Seiko Presage Arita Porcelain của mình. Mặt số đồng hồ được xử lý rất tinh tế cho màu xanh ngọc lưu ly lapis lazuli tuyệt đẹp hay màu trắng ngà tinh khôi vĩnh cửu với thời gian.

    Như vậy, Seiko đã ứng dụng rất nhiều kỹ nghệ truyền thống Nhật Bản vào sản phẩm của mình, đem đến những nét đẹp độc đáo và rất riêng. Nếu bạn cũng yêu Seiko và những công nghệ hoàn thiện ấy, hãy đến ngay các showroom chính hãng của Galle Watch trên toàn quốc ngay hôm nay và chọn cho mình một sản phẩm phù hợp nhé!

    -----------------------------------------------------------

    Để được tư vấn cụ thể, Quý khách hàng liên hệ tới Galle Watch qua:
    Hotline: 1800 6785
    Facebook: https://www.facebook.com/GalleWatch/
    Hệ thống Showroom: https://live.gallewatch.ecommage.com/he-thong-cua-hang.html

    Bạn đã thích bài viết này?
    0

    © All rights reserved - Bản quyền thuộc về CÔNG TY PHÂN PHỐI SẢN PHẨM CAO CẤP LPD